Theo anh Nguyễn Văn Thắng, để tự chế ra chiếc trực thăng, anh đã phải mất tổng thời gian là 720 giờ. Cũng theo anh Thắng, với thời gian như thế, ở nước ngoài người ta có thể chế tạo ra một chiếc siêu xe Ferrari với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại.
Từ một người thợ sửa xe máy, dần dần, anh Thắng chuyển sang chế tạo mô hình. Từ mô hình xe máy 2 bánh, 3 bánh cho đến những chiếc ô tô cỡ nhỏ. Dần dần, theo niềm đam mê, anh Thắng ấp ủ kế hoạch sẽ làm một mô hình "để đời".
Và sau nhiều năm suy nghĩ, nghiên cứu với hàng trăm bản vẽ thiết kế, cuối cùng, anh Thắng quyết định sẽ làm một chiếc trực thăng với đầy đủ động cơ và thậm chí có thể... bay được. Và kinh phí để làm chiếc trực thăng đấy, anh Thắng đã lấy từ khoản tiền dành dụm mà anh định dùng để mua một chiếc Honda SH.
Những đồ cơ khí được mang về ngày một nhiều và anh Thắng hì hụi dành mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ để làm chiếc trực thăng cho riêng mình. Trong quá trình đó, hàng xóm, láng giềng cả năm cũng chỉ gặp anh Thắng một vài lần. Vợ con thì chẳng biết đó là cái gì, còn đoán già đoán non là chồng mình, bố mình đang làm một chiếc... xe tang.
Sau 3 năm, cuối cùng, chiếc trực thăng tự chế cũng hoàn thành. Chiếc máy bay với đầy đủ các bộ phận như những chiếc máy bay trực thăng khác, chỉ có điều nó được làm hoàn toàn bằng sắt, thép chứ không phải các nguyên liệu nhẹ, bền và chuyên dụng.
Tuy nhiên, chiếc máy bay độc đáo vẫn nằm ở một nơi rất kín đáo trong nhà anh Thắng và chẳng ai hay biết ngoài những người trong gia đình.
Đến một ngày, chiếc máy bay đó được đưa ra sân để bảo dưỡng thì cũng là lúc hàng xóm "phát hiện" ra. Thế là câu chuyện về anh thợ sửa xe máy "dám" làm cả máy bay lan ra...
Trước sự động viên của mọi người, anh Thắng đã đem máy bay ra thử nghiệm. Tất nhiên, chiếc máy bay sẽ không bay lên trên trời nhưng máy móc vẫn có thể hoạt động.
Chia sẻ về chiếc máy bay "độc nhất vô nhị" của mình, anh Thắng nói vui: "Làm máy bay thì phải để bay. Nhưng tôi thì chỉ làm cho vui. Có cho tiền tôi cũng chẳng dám cất cánh".
Sau lần thử nghiệm đó, chiếc máy bay của anh Thắng đã bị các cơ quan chức năng "soi". Bộ Tư lệnh Thủ đô và chính quyền địa phương đã đến lập biên bản và yêu cầu anh Thắng giữ nguyên hiện trạng, không được chế tạo thêm.
Đến bây giờ, chiếc máy bay của anh Thắng vẫn đang còn nguyên bản, chỉ có phần cánh quạt là đã được tháo ra để riêng.
Theo ông Phan Ngọc Phú, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự phường Thượng Thanh, nếu có đề án hợp lý, thậm chí các cơ quan chức năng sẽ cấp kinh phí để anh Thắng tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình.
Cũng theo ông Phú, do khi chế tạo chiếc trực thăng trên, anh Thắng đã không báo cáo chính quyền địa phương mà đã tiến hành thử nghiệm nên mới bị lập biên bản.
"Bây giờ, chúng tôi cũng đã yêu cầu anh Thắng để nguyên chiếc máy bay như vậy chứ không được lắp ráp, bổ sung thêm. Mấy ngày hôm nay dư luận xôn xao về việc chính quyền địa phương yêu cầu anh Thắng phải tháo bỏ chiếc máy bay trên là hoàn toàn không có", ông Phú cho hay.